Những điểm mới nổi bật của nghị định số 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của luật quản lý thuế ( Phần 3)

(Baocaotaichinh.vn) Chính phủ đã ban hành nghị định số 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, Vậy nghị định này có những điểm nổi bật nào cần lưu ý, Tổng Cục Thuế đã ban hành công văn số 5189/TCT-CS giới thiệu một số điểm mới cần lưu ý (Phần 3) như sau:

6. Về ấn định thuế

Điểm mới 1: Bổ sung một số trường hợp ấn định thuế được quy định tại Điều 14 Nghị định, gồm: Không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế; Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường; Mua, trao đổi hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn mà hàng hóa, dịch vụ là có thật theo xác định của cơ quan có chức năng điều tra, thanh tra, kiểm tra và đã được kê khai doanh thu, chi phí tính thuế (Điều 14)

Điểm mới 2: Quy định cụ thể căn cứ ấn định thuế đối với người nộp thuế là tổ chức: Căn cứ cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại; tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực; kết quả xác minh; doanh thu tối thiểu của 03 cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương; trường hợp tại địa phương, cơ sở kinh doanh không có hoặc có nhưng không đủ thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô cơ sở kinh doanh thì lấy thông tin của cơ sở kinh doanh tại địa phương khác có cùng điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế để thực hiện ấn định doanh thu tính thuế (khoản 1 Điều 15).

Trước đây: không có quy định số lượng doanh nghiệp cần lấy thông tin, thứ tự xác định doanh nghiệp lấy thông tin.

Điểm mới 3: Bổ sung thêm căn cứ ấn định thuế đối với cá nhân chuyển nhượng, nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (điểm b.2, khoản 1, Điều 15).

Trước đây: Chưa có quy định.

Điểm mới 4: Bổ sung quy định người nộp thuế là tổ chức nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tỷ lệ trên doanh thu theo quy định (Khoản 2 Điều 15)

Trước đây: Chưa có quy định.

Điểm mới 5: Quy định rõ về thẩm quyền, thủ tục và mẫu quyết định ấn định thuế (Điều 16).

Trước đây: Chưa có quy định này.

7. Về thời hạn nộp thuế đối với các khoản thu từ đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tiền sử dụng khu vực biển

7.1. Tiền thuê đất, thuê mặt nước

Điểm mới 1: Bổ sung thêm quy định thời hạn nộp tiền thuê đất, thuế mặt nước đối với hồ sơ khai điều chỉnh chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước (điểm a3, khoản 3 Điều 18).

Trước đây: chưa có quy định.

Điểm mới 2: Bổ sung quy định thời hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với trường hợp khác điều chỉnh các yếu tố liên quan đến việc xác định lại số tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp, cụ thể là: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước, người thuê đất, thuê mặt nước phải nộp 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước; Chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền thuê đất, thuế mặt nước, người thuê đất, thuê mặt nước phải nộp số tiền còn lại theo thông báo (điểm a.4 khoản 3 Điều 18).

Trước đây: chưa có quy định.

Điểm mới 3: Sửa đổi thời hạn nộp tiền đối với trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền cho phép gia hạn sử dụng đất, thời hạn nộp: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước, người thuê đất, thuê mặt nước phải nộp 50% tiền thuế đất, thuê mặt nước theo thông báo; Chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước, người thuê đất, thuê mặt nước phải nộp số tiền còn lại theo thông báo (điểm a.4 khoản 3 Điều 18).

Trước đây: điểm c khoản 3 Điều 2 Thông tư số 333/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính chỉ quy định đối tượng được gia hạn thời gian sử dụng đất thực hiện thu một lần trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản gia hạn thời gian sử dụng đất.

7.2. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Điểm mới 1: bổ sung thêm quy định nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp lần đầu: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của cơ quan thuế (điểm a, khoản 1 Điều 18).

Trước đây: chưa có quy định.

Điểm mới 2: sửa đổi từ năm thứ hai trở đi, người nộp thuế nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp một lần trong năm chậm nhất là ngày 31 tháng 10 (điểm a, khoản 1 Điều 18).

Trước đây: quy định nộp 2 lân trong năm.

Điểm mới 3: bổ sung quy định thời hạn nộp thuế đối với trường hợp khai điều chỉnh chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (điểm c, khoản 1 Điều 18).

Trước đây: chưa có quy định.

7.3. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền sử dụng khu vực biển

a) Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Điểm mới: Thay đổi thời hạn nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (khoản 5 Điều 18 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP):

- Lần đầu chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày ban hành thông báo của cơ quan thuế;

- Từ năm thứ hai trở đi: (i) đối với trường hợp nộp một lần trong năm chậm nhất là 31 tháng 5; (ii) đối với trường hợp nộp hai lần trong năm kỳ thứ nhất nộp 50% chậm nhất là ngày 31 tháng 5; kỳ thứ hai nộp đủ phần còn lại chậm nhất là ngày 31 tháng 10.

Trước đây: Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được nộp hàng năm, chủ giấy phép lựa chọn phương thức nộp tiền theo tháng, quý hoặc theo năm.

b) Tiền cấp quyền khai thác khoảng sản

Điểm mới: Khoản 6 Điều 18 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định cụ thể số tiền phải nộp mỗi kỳ từ lần thứ hai trở đi trong trường hợp người nộp thuế chọn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hai lần trong năm như sau: kỳ thứ nhất nộp 50% chậm nhất là ngày 31 tháng 5; kỳ thứ hai nộp đủ phần còn lại chậm nhất là ngày 31 tháng 10.

Trước đây: Chưa có quy định.

c) Tiền sử dụng khu vực biển

Điểm mới:

Đối với trường hợp nộp tiền sử dụng khu vực biển hàng năm:

Thời hạn nộp tiền sử dụng khu vực biển lần đầu hoặc điều chỉnh theo văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo.

Kể từ năm thứ hai trở đi, người nộp thuế được chọn nộp tiền sử dụng khu vực biển một lần hoặc hai lần trong năm. Trường hợp người nộp thuế chọn nộp tiền sử dụng khu vực biển một lần trong năm thì thời hạn nộp tiền chậm nhất là ngày 31 tháng 5.

Trước đây: Chưa có quy định về thời hạn nộp tiền sử dụng khu vực biển lần đầu; người nộp thuế không được lựa chọn nộp một hoặc hai lần trong năm.

8. Về gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi có vướng mắc về giải phóng mặt bằng thuê đất

Điểm mới: Tại Điều 20 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể về hồ sơ, thời gian, số tiền, trình tự giải quyết và thẩm quyền gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi có vướng mắc về giải phóng mặt bằng thuế đất.

Trước đây: Không có quy định gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi có vướng mắc về giải phóng mặt bằng thuê đất. Căn cứ Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xem xét gia hạn khi vướng mắc giải phóng mặt bằng thuê đất thực thiện theo quy định về quản lý thuế.

9. Về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh

Điểm mới: Căn cứ Điều 66 và Khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, Nghị định đã quy định bổ sung trường hợp cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.

Trước đây: Chỉ quy định người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế (khoản 1 Điều 40 Thông tư số 156/2013/TT-BTC).

10. Về khoanh tiền thuế nợ

Điểm mới: Điều 23 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ, thời gian và trình tự thủ tục khoanh nợ đối với trường hợp người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; giải thể; phá sản; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trước đây: Chưa có quy định.

11. Về phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương trong việc thực hiện xóa nợ, hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Điểm mới: Điều 25 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan cấp đăng ký kinh doanh các cấp trong việc kiểm soát người nộp thuế đã được xóa nợ, nếu người nộp thuế đã được xóa nợ, muốn quay lại sản xuất kinh doanh thì phải hoàn trả lại cho nhà nước khoản tiền thuế đã được xóa.

Trước đây: Không có quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh đối với các trường hợp đã được xóa nợ thuế.

12. Về các biện pháp cưỡng chế nợ thuế

Điểm mới 1: Cơ quan thuế có quyền đề nghị cơ quan hải quan thực hiện biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (khoản 8 Điều 33 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP).

Trước đây: Không quy định cơ quan thuế được đề nghị cơ quan hải quan thực hiện biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với người nộp thuế có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Điểm mới 2: Đối với biện pháp cưỡng chế hóa đơn, trường hợp quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, nếu không đủ điều kiện áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo hoặc áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn mà có hiệu quả thì tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế có hiệu quả. Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn mà có thông tin, điều kiện thực hiện biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo hiệu quả hơn thì cơ quan thuế đồng thời áp dụng biện pháp cường chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo để thu tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước (điểm b.2 khoản 3 Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP).

Trước đây: Không được áp dụng đồng thời biện pháp cưỡng chế hóa đơn với các biện pháp cưỡng chế khác.

Điểm mới 3: Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành quyết định (Tại các Điều thuộc Chương VII Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

Trước đây: Quyết định cưỡng chế tài khoản có hiệu lực sau 05 ngày kể từ ngày ban hành (khoản 3 Điều 27 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP), quyết định cưỡng chế tài khoản có hiệu lực sau 03 ngày kể từ ngày ban hành quyết định (khoản 1 Điều 36 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP).

13. Về công khai thông tin

Điểm mới: Bổ sung các quy định: trường hợp công khai thông tin của người nộp thuế đối với trường hợp không nộp hồ sơ khai thuế, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; quy định nội dung và hình thức công khai của các thông tin của người nộp thuế; thẩm quyền quyết định việc công khai thông tin của người nộp thuế là thủ trưởng cơ quan quản lý thuế trực tiếp (Điều 29 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

Trước đây: Chưa có quy định.

14. Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế

Điểm mới 1: Bổ sung cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp thông tin cho cơ quan thuế như: Các Bộ gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các Bộ và các cơ quan: Cơ quan kiểm toán; Tổng cục Thống kê; Cơ quan Bảo hiểm xã hội; Cơ quan tòa án, cơ quan trọng tài... (Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP)

Điểm mới 2: Bổ sung quy định Bộ Tài chính chủ trì, các bộ, ngành và cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng Quy chế trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp công tác giữa Bộ Tài chính với từng đơn vị để quy định nội dung, thời hạn, hình thức cung cấp thông tin (điểm c khoản 2 Điều 26).

Điểm mới 3: Bổ sung các thông tin cung cấp cho cơ quan thuế để thực hiện quản lý thuế (Khoản 2 Điều 26 Nghị định 126/2020/NĐ-CP) như:

- Thông tin các hoạt động thương mại điện tử, nhượng quyền thương mại, nội dung thông tin giấy phép hoạt động thương mại điện tử, nhượng quyền thương mại, thông tin liên quan trong quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử.

- Thông tin đối với các khoản thu liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất, thông tin giấy phép cấp quyền khai thác tài nguyên, sản lượng khai thác trong năm theo từng giấy phép.

- Thông tin các hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng; cung cấp thông tin liên quan đối với hoạt động quảng cáo trên mạng; hoạt động mua bán sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin trên môi trường mạng, kinh doanh dựa trên nền tảng so...

Điểm mới 4: Bổ sung quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 27 Nghị định 126/2020/NĐ-CP):

- Bổ sung tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm cung cấp thông tin về chi trả thu nhập và số tiền thuế khấu trừ của người nộp thuế khi quyết toán thuế năm hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.

- Bổ sung cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm cung cấp thông tin trước khi bán đấu giá về hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế cho cơ quan hải quan để thực hiện ấn định thuế.

- Bổ sung thời hạn tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế là chậm nhất trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế.

Điểm mới 5: Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp thông tin (Điều 28 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

- Bổ sung quy định khi cơ quan quản lý thuế yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 15 và khoản 2, khoản 4 Điều 98 Luật Quản lý thuế thì cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân phải cung cấp đầy đủ, đúng thời hạn theo nội dung yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.

- Bổ sung quy định các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm về việc không cung cấp thông tin đúng thời hạn hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ khi cơ quan quản lý thuế có yêu cầu làm ảnh hưởng đến việc xác định nghĩa vụ thuế hoặc thời gian giải quyết hoàn thuế, miễn, giảm thuế của người nộp thuế trong trường hợp phát sinh việc bồi thường cho người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 61 và khoản 3 Điều 75 Luật Quản lý thuế.

15. Về nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Điều 30

Điểm mới 1: Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại thực hiện thu nộp thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 56 Luật Quản lý thuế và Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước (Điểm a.1 Khoản 1 Điều 30).

Trước đây: Chưa có quy định.

Điểm mới 2: Sửa đổi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại đối với số tiền thuế và khoản thu ngân sách nhà nước chậm nộp hoặc nộp không đầy đủ vào ngân sách nhà nước do lỗi của ngân hàng thương mại, thì ngân hàng thương mại phải chịu trách nhiệm thanh toán tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế (điểm a.4 Khoản 1 Điều 30).

Trước đây: Tại Điểm b Khoản 4 Điều 5 Thông tư số 84/2016/TT-BTC quy định: Trường hợp ngân hàng thực hiện không đúng yêu cầu theo lệnh thanh toán của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán; phối hợp với ngân hàng hoặc cơ quan kho bạc nhà nước có liên quan để thu hồi số tiền chuyển nhầm, chuyển thừa khi thực hiện các giao dịch thanh toán theo quy định của pháp luật; bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Điểm mới 3: Sửa đổi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại thực hiện thông báo, tra soát đến các đơn vị liên quan để xử lý đối với các trường hợp sai sót theo quy định và không được hoàn trả số tiền thuế đã nộp cho người nộp thuế nếu đã truyền thông tin cho Kho bạc Nhà nước. Riêng ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản thực hiện đối chiếu với Kho bạc Nhà nước về chứng từ nộp tiền vào ngân sách (Điểm a.5 Khoản 1 Điều 30).

Trước đây: Tại Điểm đ Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 84/2016/TT-BTC quy định: Trường hợp người nộp thuế thực hiện trùng giao dịch nộp thuế điện tử gửi từ 2 lần trở lên cho 1 khoản nộp trong một ngày thì người nộp thuế liên hệ với ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước phục vụ người nộp thuế để đề nghị điều chỉnh lại còn một lần nộp thuế. Trường hợp số thuế của giao dịch trùng đã được hạch toán nộp vào ngân sách nhà nước, người nộp thuế được lựa chọn để số tiền đó nộp cho các khoản nghĩa vụ còn phải nộp hoặc đề nghị hoàn theo quy định của pháp luật quản lý thuế.

Điểm mới 4: Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại đã tham gia kết nối với cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế thực hiện truy vấn thông tin theo mã định danh khoản thu tại cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế để ghi trên chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Không được hủy lệnh chuyển tiền khi thông tin nộp thuế đã được chuyển đến Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế (Điểm b.2 Khoản 1 Điều 30).

Trước đây: Chưa quy định cụ thể về nội dung này.

Điểm mới 5: Sửa đổi quy định hiện hành về nhiệm vụ của ngân hàng thương mại thực hiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng chuẩn thông điệp dữ liệu trao đổi thông tin theo đúng định dạng các thông điệp cơ quan quản lý thuế ban hành. Bảo mật và chỉ sử dụng thông tin thu nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế, người khai hải quan do cơ quan quản lý thuế cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế để thực hiện thu ngân sách nhà nước (Điểm b.3 Khoản 1 Điều 30).

Trước đây: Tại Điểm a, b Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 84/2016/TT-BTC quy định: Ngân hàng thương mại thực hiện thỏa thuận hợp tác phối hợp thu ngân sách với Tổng cục Thuế và có trách nhiệm khai thác và bảo mật thông tin liên quan đến thu nộp NSNN do cơ quan thuế cung cấp thông qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Điểm mới 6: Bổ sung trách nhiệm của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong thực hiện thu nộp thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước (Điểm c Khoản 1 Điều 30).

Trước đây: Chưa có quy định cụ thể trách nhiệm đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong thực hiện thu nộp thuế.

Điểm mới 7: Bổ sung quy định trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại Ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế (Khoản 2 Điều 30).

Trước đây: Chưa có quy định này.

16. Mua thông tin, tài liệu, dữ liệu của các đơn vị cung cấp để phục vụ công tác quản lý thuế

Điểm mới: Bổ sung quy định về mua tin, tài liệu, dữ liệu của các đơn vị cung cấp để phục vụ công tác quản lý thuế. Quy định này cho phép cơ quan thuế, cơ quan hải quan sử dụng kinh phí do NSNN cấp mua thông tin, tài liệu, dữ liệu của các đơn vị cung cấp để phục vụ công tác quản lý thuế, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan (Điều 40 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

Trước đây: Chưa có quy định này.

17. Nội dung về cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Điều 41)

17.1. Về quy định việc áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế

Điểm mới: Bổ sung quy định việc áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý thuế, cụ thể:

- Dựa trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế, sự thống nhất giữa cơ quan thuế và người nộp thuế theo thỏa thuận đơn phương, song phương và đa phương giữa cơ quan thuế, người nộp thuế và cơ quan thuế nước ngoài, vùng lãnh thổ có liên quan;

- Phải dựa trên thông tin của người nộp thuế, cơ sở dữ liệu thương mại có sự kiểm chứng bảo đảm tính pháp lý;

- Phải được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt trước khi thực hiện; đối với các thỏa thuận song phương, đa phương có sự tham gia của cơ quan thuế nước ngoài thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Trước đây: Chưa có quy định này.

17.2. Về các bước thủ tục/quy trình trong việc giải quyết đề nghị áp dụng APA

Điểm mới: Bổ sung quy định các bước thủ tục/quy trình trong việc giải quyết đề nghị áp dụng APA, bao gồm: Tham vấn trước khi nộp đơn đề nghị áp dụng APA chính thức (nếu có); Nộp đơn đề nghị áp dụng APA chính thức; Nộp đơn đề nghị tiến hành thủ tục thỏa thuận song phương (trong trường hợp đề nghị áp dụng APA song phương hoặc đa phương); Nghĩa vụ của người nộp thuế trong việc nộp báo cáo APA thường niên (và báo cáo APA đột xuất nếu có); Các thủ tục đề nghị gia hạn, sửa đổi, thu hồi, hủy bỏ APA (nếu có).

Trước đây: Việc tham vấn ý kiến của Tổng cục Thuế trước khi nộp hồ sơ đề nghị áp dụng APA chính thức: Trước đây theo Điều 8 Thông tư số 201/2013/TT-BTC, bước tham vấn trước khi nộp hồ sơ chính thức là bắt buộc trong quy trình giải quyết đề nghị áp dụng APA của người nộp thuế. Nay theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thì bước này là không bắt buộc mà tùy thuộc vào nhu cầu của người nộp thuế.

17.3. Quy định cụ thể về thẩm quyền phê duyệt, ký kết APA

Điểm mới: Trên cơ sở kết quả thẩm định, trao đổi, đàm phán với người nộp thuế (trong trường hợp APA đơn phương) hoặc với cơ quan thuế đối tác và người nộp thuế (trong trường hợp APA song phương hoặc APA đa phương) về nội dung APA, Tổng cục Thuế xây dựng dự thảo APA và trình lãnh đạo Bộ Tài chính phê duyệt, tiến hành ký kết APA. Đối với các thỏa thuận APA song phương, đa phương có sự tham gia của cơ quan thuế nước ngoài, Bộ Tài chính lấy ý kiến Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về việc ký kết APA theo thủ tục và trình tự ký kết Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế theo quy định pháp luật về việc ký kết Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Trước đây: Nghị định số 83/2013/NĐ-CP trước đây quy định Bộ Tài chính phê duyệt và giao Tổng cục Thuế ký kết APA.

17.4. Về hiệu lực của APA

Điểm mới: Thời điểm bắt đầu có hiệu lực của APA được thực hiện theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Quản lý thuế. Đối với các APA song phương hoặc đa phương có liên quan đến quản lý thuế của cơ quan quản lý thuế nước ngoài, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước đây: Nghị định số 83/2013/NĐ-CP trước đây quy định APA đã ký có hiệu lực trong thời gian tối đa 05 năm và có thể được gia hạn không quá 05 năm tiếp theo; thời điểm bắt đầu hiệu lực không trước ngày người nộp thuế nộp đơn xin áp dụng APA./.

Tải Công văn số 5189/TCT-CS để biết thêm đầy đủ nội dung.

Quay lại xem nội dung mới:  PHẦN 1PHẦN 2 

Chưa có thông tin


Tags:
Ý kiến bạn đọc:

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY TNHH BCTC
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: 0313459793 do sở kế hoạch đầu tư Thành Phố Hồ Chí Minh cấp ngày 28/09/2015
- Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp số 14/GP-STTTT do Sở Thông tin & Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 26/02/2021
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Văn Thức - Chức danh: Chủ tịch HĐTV - Số điện thoại: 0909 837 702
- Trụ sở chính: 311 Nguyễn Thị Kiểu, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM
- CN Hà Nội: Nhà số 2, ngõ 816 đường Kim Giang, xóm Tràng, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội
- CN Đã Nẵng: Lô 34B1 Bùi Tá Hán, Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng
- TỔNG ĐÀI CSKH: 19006274 - Email: info@baocaotaichinh.vn
Hotline: 0909837702
Zalo: 0909837702 Facebook
      Thuê dịch vụ gọi số 0909837702