Các tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Ngày 10/01/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 02/2022/TT-BTNMT về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt như sau: Có khả năng tiếp nhận, phân loại chất thải, xử lý mùi, nước rỉ rác, khí thải, linh hoạt trong kết hợp các công nghệ khác, xử lý các loại chất thải rắn khác nhau; Mức độ tự động hóa, nội địa hóa của dây chuyền thiết bị; Ưu tiên công nghệ đã được ứng dụng thành công, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường về thiết bị xử lý, tái chế chất thải; Tiết kiệm diện tích sử dụng đất; Tiết kiệm năng lượng, khả năng thu hồi năng lượng trong quá trình xử lý;…
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải theo một trong các trường hợp sau: Thông qua giá bán bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt; Thông qua thể tích thiết bị chứa đựng chất thải rắn sinh hoạt; Thông qua việc cân xác định khối lượng chất thải rắn sinh hoạt.
Ngoài ra, bao bì đựng chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu sau: Bao bì chất thải nguy hại bảo đảm lưu giữ an toàn chất thải nguy hại, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ; Bao bì mềm được buộc kín và bao bì cứng có nắp đậy kín để bảo đảm ngăn chất thải rỏ rỉ hoặc bay hơi; Chất thải lỏng, bùn thải dạng nhão hoặc chất thải có các thành phần nguy hại dễ bay hơi phải chứa trong bao bì cứng không vượt quá 90% dung tích hoặc mức chứa cao nhất cách giới hạn trên của bao bì là 10 cm.
Thông tư có hiệu lực từ ngày ký.