Theo quy định của Luật Quản lý thuế, thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm 2018 chậm nhất là ngày 01/4/2019. Một số nội dung cần lưu ý khi quyết toán thuế TNDN năm 2018 như sau:
Phần A. Căn cứ pháp lý
Các Thông tư hướng dẫn thực hiện thuế TNDN của Bộ Tài chính:
- Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014,
- Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014,
- Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014,
- Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015,
- Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính
- Thông tư số 83/2016/TT-BTC ngày17/6/2016 hướng dẫn việc thực hiện ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật đầu tư và Nghị định số 118/2015/NĐ-CPngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định Luật Đầu tư.
- Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016: Hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (thay thế Điều 10 Thông tư số 78/2014/TT-BTC về việc trích lập quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp)
- Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2018): sửa đổi một số nội dung về thuế TNDN.
- Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Phần B: Một số nội dung cần lưu ý
I. Tỷ giá quy đổi ngoại tệ khi xác định doanh thu và chi phí:
Tỷ giá quy đổi đồng ngoại tệ ra đồng Việt Nam trong trường hợp doanh nghiệp có phát sinh doanh thu và chi phí bằng ngoại tệ:
Trường hợp DN có phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:
– Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại, nơi người nộp thuế mở tài khoản.
– Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại, nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ.
II. Về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:
Nguyên tắc chung: Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật; hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Nếu mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị > 20 triệu đồng ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, DN chưa đến kỳ hạn thanh toán thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Đến kỳ hạn thanh toán mà không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh lại.
1. Về chi khấu hao tài sản cố định (TSCĐ):
- TSCĐ được khấu hao theo mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính:
+ Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013;
+ Thông tư số 147/2016/TT-BTC ngày 13/10/2016 (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 45/2013/TT-BTC);
+ Thông tư số 28/2017/TT-BTC ngày 12/4/2017 sửa đổi Thông tư số 45/2013/TT-BTC);
+ Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018.
- Doanh nghiệp thực hiện thông báo phương pháp trích khấu hao tài sản cố định mà doanh nghiệp lựa chọn áp dụng với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi thực hiện trích khấu hao.
- Doanh nghiệp có nhận chuyển nhượng một phần vốn hoặc nhận chuyển nhượng toàn bộ doanh nghiệp của doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp chỉ được trích khấu hao TSCĐ vào chi phí được trừ theo giá trị còn lại trển sổ sách kế toán tại doanh nghiệp chuyển nhượng (sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 25/2018/TT-BTC).
2. Về chi trả tiền thuê tài sản của cá nhân
DN được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế đối với khoản chi trả tiền thuê tài sản của cá nhân có đầy đủ hồ sơ, chứng từ như sau:
- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản.
- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thoả thuận doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản, chứng từ trả tiền thuê tài sản và chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân.
- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và DN nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp được tính vào chí phí được trừ tổng số tiền thuê tài sản bao gồm cả phần thuế nộp thay cho cá nhân.
3. Chi phí tiền điện, tiền nước đối với thuê địa điểm SXKD của hộ gia đình, cá nhân:
Chứng từ hạch toán khi tính thuế TNDN:
* Trường hợp DN thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp:
- Hoá đơn thanh toán tiền điện, nước;
- Hợp đồng thuê địa điểm sản xuất kinh doanh.
* Trường hợp DN thanh toán với người cho thuê địa điểm SXKD:
- Chứng từ thanh toán tiền điện, nước đối với người cho thuê địa điểm SXKD phù hợp với số lượng điện, nước thực tế tiêu thụ;
- Hợp đồng thuê địa điểm sản xuất kinh doanh.
4. Chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động
Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động khi tính vào chi phí được trừ không vượt quá 3.000.000 đồng/người/tháng (sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 25/2018/TT-BTC). Trước đây, khoản chi này được tính hết vào chi phí được trừ nếu có quy định cụ thể trong Hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.
5. Khoản trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động
Khoản chi này khi tính vào chi phí được trừ không vượt quá 3.000.000 đồng/người/tháng (sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 25/2018/TT-BTC). Trước đây, khoản chi này được tính 1.000.000 đồng/người/tháng.
Lưu ý:
- Khoản chi này phải được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty
- Doanh nghiệp không được tính vào chi phí đối với các khoản nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động nếu doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động (kể cả trường hợp nợ tiền bảo hiểm bắt buộc).
6. Về chi trang phục cho người lao động:
- Doanh nghiệp chi trang phục cho người lao động bằng hiện vật, thì được tính vào chi phí được trừ nếu có hóa đơn, chứng từ theo quy định.
- Doanh nghiệp chi trang phục bằng tiền cho người lao động không vượt quá 05 triệu đồng/người/năm, thì được tính vào chi phí được trừ.
- Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật thì chỉ khống chế mức chi bằng tiền không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm, chi bằng hiện vật phải có hóa đơn, chứng từ theo quy định.
7. Về khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác:
Khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ nếu có hóa đơn, chứng từ theo quy định.
Trường hợp doanh nghiệp có khoán phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán.
8. Về chi tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai:
Đảm bảo các điều kiện sau khi tính thuế TNDN
- Chi đúng đối tượng (quy định tại Điều 4 – Thông tư 96/2015/TT-BTC);
- Có đầy đủ hồ sơ xác định đúng các khoản tài trợ gồm:
+ Biên bản xác nhận khoản tài trợ (giữa doanh nghiệp với đại diện đơn vị nhận tài trợ hoặc với cơ quan tổ chức có chức năng huy động tài trợ);
+ Bảng kê theo mẫu 03/TNDN (tài trợ giáo dục); 04/TNDN (tài trợ y tế); 05/TNDN (tài trợ khắc phục hậu quả thiên tai) theo Thông tư 78/2014/TT-BTC;
+ Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa (nếu tài trợ bằng hiện vậy) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bàng tiền).
9. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản:
DN tính vào chi phí được trừ số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực tế phát sinh của năm:
- Trường hợp nộp một lần: mức thực tế phát sinh = Ʃ số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản/số năm khai thác còn lại.
- Trường hợp nộp hàng năm: mức thực tế phát sinh = số tiền nộp NSNN.
Phần C: Kê khai, quyết toán Thuế TNDN:
Doanh nghiệp không phải kê khai thuế tạm tính hàng quí, chỉ thực hiện tạm nộp thuế và thực hiện khai quyết toán năm.
I. Về mẫu biểu hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN:
1/ Hồ sơ quyết toán thuế TNDN bao gồm:
- Tờ khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu số 03/TNDN (ban hành kèm Thông tư 151/2014/TT-BTC).
- Báo cáo tài chính năm hoặc báo cáo tài chính đến thời điểm có quyết định về việc DN thực hiện chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN, giải thể, chấm dứt hoạt động.
(Các doanh nghiệp thuộc trường hợp bắt buộc phải kiểm toán thì phải nộp thêm Báo cáo kiểm toán (DN có vốn ĐTNN, Công ty cổ phần phát hành chứng khoán, DNNN…)
- Một hoặc một số phụ lục kèm theo tờ khai (tùy theo thực tế phát sinh của doanh nghiệp):
+ Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo mẫu số 03-1A/TNDN (dành cho người nộp thuế thuộc các ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ), mẫu số 03-1B/TNDN (dành cho người nộp thuế thuộc các ngân hàng, tín dụng), mẫu số 03-1C/TNDN (dành cho người nộp thuế là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán) ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
- Các doanh nghiệp thuộc diện ưu đãi thuế TNDN nộp thêm một số Phụ lục về ưu đãi thuế
* Lưu ý: đối với những DN có giao dịch liên kết, khi nộp báo cáo quyết toán thuế TNDN, ngoài những biểu mẫu phải nộp theo quy định tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC, Thông tư số 151/2014/TT-BTC, doanh nghiệp phải gửi kèm các biểu mẫu quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết.
2/ Phần mềm hỗ trợ
Doanh nghiệp sử dụng phần mềm Hỗ trợ kê khai mới nhất. Hiện nay doanh nghiệp sử dụng phiên bản: 4.1.3 để quyết toán thuế.
Các doanh nghiệp cần hỗ trợ phần mềm quyết toán liên hệ Phòng Tin học (điện thoại 0257.3826087) Phòng Tuyên truyền (0257.3823097).
II. Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán:
Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, theo đó thời hạn nộp hồ sơ quyết thuế 2018 chậm nhất trước ngày 01/04/2019 (đối với doanh nghiệp áp dụng năm tài chính theo năm dương lịch), nếu chậm nộp thì sẽ bị xử phạt về chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài Chính.
Trên đây là một số nội dung hướng dẫn cần lưu ý khi thực hiện quyết toán thuế TNDN năm 2018./.
Nguồn: Cục Thuế Tỉnh Phú Yên!