Hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân 2018

Để giúp các doanh nghiệp, cơ quan thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho người ủy quyền, Tổng cục Thuế vừa có hướng dẫn những nội dung cơ bản liên quan đến chính sách, cũng như thủ tục quyết toán thuế TNCN năm 2018

1. Cá nhân nào được ủy quyền quyết toán thuế TNCN

Cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế qua doanh nghiệp (hoặc cơ quan) trả thu nhập gồm: Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một doanh nghiệp trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại doanh nghiệp đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp cá nhân làm việc không đủ 12 tháng trong năm tại tổ chức, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ đủ thuế 10% mà cá nhân đó không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Trường hợp doanh nghiệp trả thu nhập có số lượng lớn người lao động ủy quyền quyết toán thuế, thì doanh nghiệp trả thu nhập có thể lập danh sách các cá nhân ủy quyền, trong đó phản ánh đầy đủ các nội dung tại mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN, đồng thời cam kết tính chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu, nội dung trong danh sách.

Lưu ý, doanh nghiệp trả thu nhập chỉ thực hiện nhận ủy quyền quyết toán thay cho cá nhân đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công mà cá nhân nhận được từ doanh nghiệp trả thu nhập (trừ trường hợp các doanh nghiệp trong năm có chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi và trường hợp người lao động điều chuyển giữa các doanh nghiệp trong cùng một hệ thống như: Tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con, trụ sở chính và chi nhánh).

Cá nhân được doanh nghiệp sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động theo hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 14 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Cá nhân ủy quyền cho doanh nghiệp trả thu nhập quyết toán thay theo mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC, kèm theo bản chụp hóa đơn, chứng từ chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học (nếu có).

2. Các cá nhân không được ủy quyền cho tổ chức quyết toán thuế TNCN

Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, cá nhân đảm bảo điều kiện được ủy quyền, nhưng đã được doanh nghiệp trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN thì không ủy quyền quyết toán thuế cho doanh nghiệp trả thu nhập (trừ trường hợp doanh nghiệp trả thu nhập đã thu hồi và hủy chứng từ khấu trừ thuế đã cấp cho cá nhân).

Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị, nhưng vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế không làm việc tại doanh nghiệp đó.

Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế hoặc khấu trừ thuế chưa đủ (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ).

Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại nhiều nơi.

Cá nhân chỉ có thu nhập vãng lai đã khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% (kể cả trường hợp có thu nhập vãng lai duy nhất tại một nơi).

Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công đồng thời thuộc diện xét giảm thuế do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì không ủy quyền quyết toán thuế mà cá nhân tự khai quyết toán thuế kèm theo hồ sơ xét giảm thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 46 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính.

Doanh nghiệp trả thu nhập có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn người lao động thuộc diện phải quyết toán thuế nếu không thuộc diện ủy quyền cho doanh nghiệp quyết toán thay, thì thực hiện quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế.

3. Những lưu ý khi xác định số thuế TNCN

3.1. Thu nhập chịu thuế phải quyết toán năm 2018 là tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công mà cá nhân thực nhận từ 1/1/2018 đến 31/12/2018.

Đối với khoản tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) không bao gồm: khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại đó.

Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà, hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.

Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả thay tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả thay, nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuế nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo (nếu có) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.

Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế được tổng hợp tại danh mục tổng hợp các khoản phụ cấp, trợ cấp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành làm cơ sở xác định thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

3.2 Lưu ý về các khoản giảm trừ

Giảm trừ gia cảnh cho bản thân, người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập thì lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi. Trường hợp trong kỳ tính thuế, cá nhân cư trú chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân, hoặc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được tính đủ 12 tháng nếu thực hiện quyết toán thuế theo quy định.

Về giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, việc giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng được tính kể từ tháng có phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng theo hướng dẫn tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính và Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.

Để được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc khi người phụ thuộc đã đăng ký và có đầy đủ hồ sơ chứng minh người phụ thuộc theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2014/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính thì được tính giảm trừ gia cảnh trong năm 2017, kể cả trường hợp người phụ thuộc chưa được cơ quan thuế cấp mã số thuế.

Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

Điều kiện để xác định người khuyết tật, không có khả năng lao động là người phụ thuộc: Người khuyết tật, không có khả năng lao động theo hướng dẫn tại tiết điểm đ, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính là những người thuộc diện điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo và không có khả năng lao động./.

Nguồn: TBTC, TCT

 



Tags:
Ý kiến bạn đọc:

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY TNHH BCTC
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: 0313459793 do sở kế hoạch đầu tư Thành Phố Hồ Chí Minh cấp ngày 28/09/2015
- Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp số 14/GP-STTTT do Sở Thông tin & Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 26/02/2021
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Văn Thức - Chức danh: Chủ tịch HĐTV - Số điện thoại: 0909 837 702
- Trụ sở chính: 311 Nguyễn Thị Kiểu, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM
- CN Hà Nội: Nhà số 2, ngõ 816 đường Kim Giang, xóm Tràng, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội
- CN Đã Nẵng: Lô 34B1 Bùi Tá Hán, Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng
- TỔNG ĐÀI CSKH: 19006274 - Email: info@baocaotaichinh.vn
Hotline: 0909837702
Zalo: 0909837702 Facebook
      Thuê dịch vụ gọi số 0909837702