Hỏi - Đáp tại Hội nghị đối thoại giữa Tổng Cục Thuế với Người nộp thuế tại 5 tỉnh, thành phố phía nam năm 2024 (Phần 6)

 

VI. Nhóm vướng mắc về thuế TNCN:

Câu hỏi 49: Tôi mua căn nhà tại thành phố Hồ Chí Minh, vay ngân hàng mà vẫn không được tính thuế. Trong khi nộp thì công chứng theo đúng giá mua bán. Ngân hàng thì vẫn phải trả lãi mà không được nhận nhà. Giờ làm sao?

Trả lời:

1. Tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024 quy định:

Điều 257. Giải quyết về tài chính đất đai, giá đất khi Luật này có hiệu lực thi hành

1. Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025; trường hợp cần thiết Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.”

2.Tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh quy định về Bảng giá đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2024.

Căn cứ quy định nêu trên thì về nguyên tắc các hồ sơ đất đai mà Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận từ ngày 01/08/2024 đến nay sẽ được áp dụng theo Bảng giá đất ban hành kèm theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh quy định về Bảng giá đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2024 do HĐND Thành phố chưa ban hành Bảng giá đất mới.

Trường hợp UBND điều chỉnh giá đất tại Thành phố cho phù hợp với quy định tại Luật Đất đai năm 2024 thì việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 71/2024/NĐ-CP để phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Qua nắm bắt ngày 21/9/2024 UBND Thành phố đã có Công văn số 5635/UBND-ĐT chỉ đạo các Sở, Ban, ngành thực hiện việc giải quyết các hồ sơ về đất tính theo Bảng giá đất được ban hành theo Luật Đất đai năm 2013 như đã thực hiện trước ngày 01/8/2024 (Bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 của UBND Thành phố nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định số 56/2023/QĐ-UBND ngày 21/12/2023 của UBND Thành phố) để giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trong giai đoạn từ ngày 01/8/2024 cho đến khi ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/01/2020.

----------------------------------------------------------

Câu hỏi 50: Tôi xin chuyển mục đích sử dụng 60m2 đất sang đất ở đô thị, thuộc khu quy hoạch dân cư hiện hữu do UBND Q12 duyệt từ 2008. Tôi đăng ký nhu cầu sử dụng đất từ 2022, ròng rã nộp hồ sơ từ 7/2023 đến nay bị trả hồ sơ 4 lần với những lý do không phải do tôi. Lần mới nhất tôi nộp vào 20/8/2024 và hiện tại vẫn đang chờ kết quả hẹn trả vào 26/9/2024 nhưng tôi có hỏi bên Phòng Tài nguyên và môi trường Q12 thì nghe nói đang ngưng tính thuế chờ hướng dẫn. Theo tôi tìm hiểu, Điều 257 Luật đất đai 2024 cho phép sử dụng bảng giá hiện tại đến hết 12/2025, Nghị định 103/2024 của Bộ Tài Chính đã có hướng dẫn thu tiền sử dụng đất, tiền thuế, Điều 151 Luật ban hành văn bản quy phạm Pháp Luật 2015 (được sửa đổi bởi khoản 48 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm Pháp Luật sửa đổi 2020) quy định văn bản quy phạm Pháp Luật không có tác dụng trước thời điểm ban hành, hiện tại Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân TPHCM vẫn chưa ban hành bảng giá điều chỉnh, cho nên việc ngưng tính thuế của Cục Thuế là vô ích, kéo dài thời gian xử lý gây bức xúc cho dân, gây mất thời gian chỉ đạo của các cấp Lãnh đạo. Hoàn toàn có đủ căn cứ Pháp Luật để xử lý hồ sơ, khi nào có bảng giá điều chỉnh thì sử dụng, còn hiện tại sử dụng bảng giá hiện tại theo Luật và các thông tư hướng dẫn đã ban hành. Trường hợp của tôi cũng không dính gì tới hệ số K (tôi không có sở hữu nhà ở nào khác). Việc bảng giá điều chỉnh nếu dó ban hành cũng không áp dụng tính cho hồ sơ cũ trước đó (bao gồm hồ sơ của tôi), vậy thì ngưng làm gì? Tôi đề nghị Tổng cục Thuế có chỉ đạo tiếp tục xử lý hồ sơ theo Luật định.

Trả lời: Trùng nội dung trả lời tại câu 49

----------------------------------------------------------

Câu hỏi 51: Công Ty có ký hợp đồng cho thuê dài hạn 50 năm một số căn hộ với khách hàng. Các khách này muốn chuyển nhượng lại toàn bộ quyền và nghĩa vụ từ hợp đồng thuê dài hạn 50 năm căn hộ cho khách khác. Hiện các hồ sơ kê khai thuế từ giao dịch chuyển nhượng trên đang chưa được Chi Cục Thuế giải quyết ra kết quả để nộp thuế. Công Ty kính đề nghị Tổng Cục Thuế hướng dẫn thực hiện.

Trả lời: Tổng cục Thuế đã có công văn số 4754/TCT-DNNCN ngày 16/12/2022 và công văn số 3417/TCT-DNNCN ngày 02/8/2024 trả lời Cục Thuế Tp.HCM, cụ thể: Để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế và có căn cứ pháp lý xác định nghĩa vụ tài chính của người nộp thuế, đề nghị Cục Thuế phối hợp với Sở Xây dựng và xác cơ quan yêu cầu chủ đầu tư hướng dẫn người nộp thuế hoàn thiện hồ sơ liên quan đến giao dịch về nhà ở và kinh doanh bất động sản theo đúng quy định của pháp luật.

Tổng cục Thuế hướng dẫn Cục Thuế căn cứ hồ sơ cụ thể phát sinh và quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh giao dịch để thực hiện đúng quy định hiện hành.

Đề nghị NNT khi phát sinh giao dịch nộp hồ sơ đến cơ quan thuế để được hướng dẫn thực hiện theo quy định hiện hành.

Căn cứ pháp lý:

Theo ý kiến của Bộ Xây dựng căn cứ Điều 117 Luật Nhà ở 2024 và Khoản 1 Điều 17, Điều 36 Luật kinh doanh bất động sản 2014 thì không có hình thức chuyển nhượng hợp đồng cho thuê nhà ở, chuyển nhượng quyền thuê nhà ở và không có quy định về chuyển nhượng hợp đồng cho thuê nhà, công trình xây dựng và chuyển nhượng quyền thuê nhà, công trình xây dựng.

----------------------------------------------------------

Câu hỏi 52:

1. Doanh nghiệp đăng ký MST NPT nhưng bị báo lỗi thiếu thông tin quyển… nên không được cấp MST NPT. Nhưng nay tra cứu NNT thì không thấy tên NPT? Vậy trường hợp này xử lý như thế nào ạ?.

2. Doanh nghiệp đăng ký MST NPT nhưng bị báo lỗi trùng thông tin MST với cá nhân tên… trùng với tên của NPT đang đăng ký, vậy nên doanh nghiệp lấy MST đó làm MST NPT luôn. Nhưng nay tra cứu NNT thì không thấy tên NPT? Vậy trường hợp này xử lý như thế nào ạ?

Trả lời:

1. Tại Điểm a, Khoản 10, Điều 7 Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 hướng dẫn về đăng ký thuế:

“Điều 7. Địa điểm nộp và hồ sơ đăng ký thuế lần đầu

10. Đối với người phụ thuộc theo quy định tại Điểm 1 Khoản 2 Điều 4 Thông tư này nộp hồ sơ đăng ký thuế lần đầu như sau:

a) Trường hợp cá nhân có ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập đăng ký thuế cho người phụ thuộc thì nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan chi trả thu nhập.

Hồ sơ đăng ký thuế của người phụ thuộc gồm: Văn bản ủy quyền và giấy tờ của người phụ thuộc (bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người phụ thuộc có quốc tịch việt Nam dưới 14 tuổi; bản sao Hộ chiếu đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài).

Cơ quan chi trả thu nhập tổng hợp và gửi Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 20-ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư này gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ quan chi trả thu nhập”.

Do đó, đối với nội dung này Cơ quan chi trả thu nhập tổng hợp thông tin và nộp điện tử tờ khai đăng ký thuế mẫu 20-ĐK-TH-TCT để thực hiện đăng ký cấp mã số thuế cho người phụ thuộc theo đúng quy định. Mẫu 20-ĐK-TH-TCT của Thông tư 105/2020/TT-BTC không có chỉ tiêu “Quyển số”.

2. Tại Điểm b, Khoản 3, Điều 30 Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định:

“b) Cá nhân được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp mã số thuế để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Mã số thuế cấp cho người phụ thuộc đồng thời là mã số thuế của cá nhân khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước;”

Căn cứ quy định trên, trường hợp người phụ thuộc đã được cấp mã số thuế, Cơ quan thuế không thực hiện cấp mới mã số thuế theo hồ sơ đăng ký thuế của Cơ quan chi trả thu nhập. Cơ quan chi trả thu nhập sử dụng mã số thuế đã được cấp của người phụ thuộc để kê khai theo quy định.

Hiện nay, Tổng cục Thuế đã triển khai ứng dụng Etax Moblie (trên nền tảng thiết bị di động) có chức năng tra cứu thông tin người phụ thuộc, Cơ quan chi trả thu nhập hướng dẫn cá nhân/người lao động tải app Etax Moblie, đăng ký tài khoản để sử dụng các tiện ích điện tử của ngành thuế để tra cứu thông tin của người nộp thuế và người phụ thuộc.

Trường hợp, cơ quan chi trả thu nhập đã đăng ký người phụ thuộc nhưng trên tài khoản Etax Moblie của cá nhân/người lao động không hiện thị thông tin, cơ quan chi trả vui lòng liên hệ cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời.  

----------------------------------------------------------

Câu hỏi 53: Kính gửi: Tổng Cục Thuế Em xin có câu hỏi liên quan đến đăng ký Người phụ thuộc của nhân viên như sau:

* Mẹ của nhân viên sinh 1/1/1968 hiện tại năm 2024 đã nghỉ làm không có lương hưu mà nhận BHXH 1 lần và đang nhận lương thất nghiệp với số tiền 5 triệu đồng. Trong thời gian mẹ nhận lương thất nghiệp thì nhân viên không có đăng ký NPT. Vậy sau thời gian mẹ hết nhận lương thất nghiệp, năm 2025 nhân viên có đăng ký mẹ là NPT được không?

* Đối với trường hợp nhận BHXH 1 lần, thì điều này có ảnh hưởng đến việc đăng ký NPT không? Em cảm ơn Tổng cục Thuế."

Trả lời: Trường hợp nhân viên (cá nhân người nộp thuế) đăng ký người phụ thuộc là mẹ để tính giảm trừ gia cảnh thì cần phải đáp ứng các điều kiện để được tính là người phụ thuộc theo quy định tại tiết d.3 điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TTBTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính. Cụ thể như sau:

Tại điểm d.3; điểm đ khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:

“Điều 9. Các khoản giảm trừ

Các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều này là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh. Cụ thể như sau:

...

d) Người phụ thuộc bao gồm:

...

d.3) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này

.…

đ) Cá nhân được tính là người phụ thuộc theo hướng dẫn tại các tiết d.2, d.3, d.4, điểm d, khoản 1, Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau: đ.1) Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

đ.1.1) Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

đ.1.2) Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

đ.2) Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.”

- Tại Điều 1 Thông tư số 79/2022/TT-BTC ngày 30/12/2022 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung điểm g bổ sung điểm g khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) hướng dẫn về hồ sơ chứng minh người phụ thuộc: “

g) Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc

 …

g.3) Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng), cha dượng, mẹ kế, cha nuôi hợp pháp, mẹ nuôi hợp pháp hồ sơ chứng minh gồm:

- Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân.

- Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế như bản chụp Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc giấy tờ khác do cơ quan Cơ quan Công an cấp, giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ chứng minh là người khuyết tật, không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,..)…”

Căn cứ các hướng dẫn nêu trên, Tổng cục Thuế hướng dẫn về nguyên tắc như sau:

Trường hợp mẹ của người nộp thuế thỏa mãn các điều kiện theo hướng dẫn tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC nêu trên thì người nộp thuế được đăng ký mẹ là NPT. Hồ 26 sơ chứng minh người phụ thuộc thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư số 79/2022/TT-BTC ngày 30/12/2022 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) nêu trên. 

----------------------------------------------------------

Câu hỏi 54: Chúng tôi có 2 câu hỏi về hồ sơ giảm trừ gia cảnh thuế TNCN:

1. Đối với người lao động nước ngoài có quốc tịch Ấn Độ giảm trừ gia cảnh cho cha mẹ, trong hộ chiếu Ấn Độ sẽ có thông tin về cha mẹ, như vậy hồ sơ giảm trừ cho cha mẹ của người lao động Ấn Độ là bản dịch có công chứng hộ thì hồ sơ có hợp lệ hay không (người lao động nước ngoài này không còn giấy khai sinh);

2. Người lao động Việt Nam có con học PTTH ở trường quốc tế, năm lớp 12 là học đến hết tháng 12. Họ bổ sung giấy xác nhận của trường xác nhận bổ túc hồ sơ nghĩa vụ quân sự cho Công ty để chứng minh con họ học PTTH đến hết tháng 12 của năm con họ đã đủ 18 tuổi thì hồ sơ đó có hợp lệ hay không?

Trả lời:

1. Tại điểm g.3 Điều 1 Thông tư số 79/2022/TT-BTC ngày 30/12/2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hồ sơ chứng minh người phụ thuộc như sau:

“g.3) Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng), cha dượng, mẹ kế, cha nuôi hợp pháp, mẹ nuôi hợp pháp hồ sơ chứng minh gồm:

- Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân.

- Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế như bản chụp Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc giấy tờ khác do cơ quan Cơ quan Công an cấp, giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ chứng minh là người khuyết tật, không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,..).

g.5) Cá nhân cư trú là người nước ngoài, nếu không có hồ sơ theo hướng dẫn đối với từng trường hợp cụ thể nêu trên thì phải có các tài liệu pháp lý tương tự để làm căn cứ chứng minh người phụ thuộc.”

Tại Điều 85 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về ngôn ngữ sử dụng trong văn bản giao dịch với cơ quan thuế như sau:

“Điều 85. Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản giao dịch với cơ quan thuế

Ngôn ngữ được sử dụng trong hồ sơ thuế là tiếng Việt. Tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Người nộp thuế ký tên, đóng dấu trên bản dịch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bản dịch. Trường hợp tài liệu bằng tiếng nước ngoài có tổng độ dài hơn 20 trang giấy A4 thì người nộp thuế có văn bản giải trình và đề nghị chỉ dịch những nội dung, điều khoản có liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế.”

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp người lao động nước ngoài đăng ký giảm trừ cho người phụ thuộc là cha, mẹ thì hồ sơ chứng mình người phụ thuộc thực hiện theo hướng dẫn tại điểm g.3 Điều 1 Thông tư số 79/2022/TT-BTC ngày 30/12/2022 của Bộ Tài chính. Trường hợp hộ chiếu Ấn Độ của người lao động nước ngoài có tính chất pháp lý tương tự như các tài liệu chứng minh người phụ thuộc quy định nêu tại điểm g.3 Điều 1 Thông tư số 79/2022/TT-BTC ngày 30/12/2022 của Bộ Tài chính thì người nộp thuế có thể cung cấp hộ chiếu kèm theo hồ sơ chứng minh người phụ thuộc để cơ quan thuế xem xét.

Trường hợp, trong hồ sơ chứng minh người phụ thuộc có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Người nộp thuế ký tên, đóng dấu trên bản dịch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bản dịch. Trường hợp tài liệu bằng tiếng nước ngoài có tổng độ dài hơn 20 trang giấy A4 thì người nộp thuế có văn bản giải trình và đề nghị chỉ dịch những nội dung, điều khoản có liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế.

2. Tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định như sau:

“Điều 12. Giảm trừ gia cảnh

3. Đối tượng và căn cứ xác định người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng quy định tại Khoản 1 Điều này như sau:

a) Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) dưới 18 tuổi;

b) Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật không có khả năng lao động;

c) Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông mà không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức thu nhập quy định tại Khoản 4 Điều này;

4. Mức thu nhập làm căn cứ xác định người phụ thuộc được áp dụng giảm trừ là mức thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.”

Căn cứ quy định nêu trên, về nguyên tắc trường hợp cá nhân là con của người nộp thuế từ 18 tuổi trở lên vẫn đang học bậc phổ thông mà không có thu nhập hoặc có mức thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng thì cá nhân này vẫn được xác định là người phụ thuộc của người nộp thuế.

----------------------------------------------------------

Câu hỏi 55: NNT đã đăng ký giảm trừ gia cảnh là NPT A ở công ty cũ, bây giờ NNT muốn tiếp tục nộp giảm trừ gia cảnh cũng là NPT A qua công ty mới, vậy công ty mới có cần làm thủ tục gì để tiếp tục gtgc cho NNT ạ? Nếu công ty mới không làm thủ tục gì mà vẫn kê khai quyết toán thuế với mã số thuế NPT đã có từ trước vậy có hợp lệ hay không ạ?

Trả lời: Về nguyên tắc, người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Trường hợp người lao động đã đăng ký giảm trừ tại công ty cũ khi chuyển sang công ty mới thì thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc như trường hợp đăng ký người phụ thuộc lần đầu theo hướng dẫn tại tiết h.2.1.1.1, điểm h, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC. Công ty mới sẽ tạm tính giảm trừ trong năm kể từ khi người lao động đăng ký giảm trừ cho người phụ thuộc. Tại tiết c.2 điểm c; tiết h.2.1.1 điểm h và điểm i khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TTBTC ngày 15/08/2024 của Bộ Tài chính quy định về nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc và việc đăng ký người phụ thuộc như sau:

“c.2) Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

c.2.1) Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.

c.2.2) Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký.

...

h.2.1.1) Đăng ký người phụ thuộc

h.2.1.1.1) Đăng ký người phụ thuộc lần đầu:

Người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công đăng ký người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế và nộp hai (02) bản cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập để làm căn cứ tính giảm trừ cho người phụ thuộc.

Tổ chức, cá nhân trả thu nhập lưu giữ một (01) bản đăng ký và nộp một (01) bản đăng ký cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý cùng thời điểm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân của kỳ khai thuế đó theo quy định của luật quản lý thuế.

...

h.2.1.2) Địa điểm, thời hạn nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc:

- Địa điểm nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc là nơi người nộp thuế nộp bản đăng ký người phụ thuộc.

Tổ chức trả thu nhập có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ chứng minh người phụ thuộc và xuất trình khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra thuế.

- Thời hạn nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc: trong vòng ba (03) tháng kể từ ngày nộp tờ khai đăng ký người phụ thuộc (bao gồm cả trường hợp đăng ký thay đổi người phụ thuộc).

Quá thời hạn nộp hồ sơ nêu trên, nếu người nộp thuế không nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc sẽ không được giảm trừ cho người phụ thuộc và phải điều chỉnh lại số thuế phải nộp.

...

i) Người nộp thuế chỉ phải đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh cho mỗi một người phụ thuộc một lần trong suốt thời gian được tính giảm trừ gia cảnh. Trường hợp người nộp thuế thay đổi nơi làm việc, nơi kinh doanh thì thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc như trường hợp đăng ký người phụ thuộc lần đầu theo hướng dẫn tại tiết h.2.1.1.1, điểm h, khoản 1, Điều này.” 

----------------------------------------------------------

Câu hỏi 56: Người lao động trong cty hiện có 2 mã số thuế cá nhân, nhưng do vướng về nghĩa vụ thuế của cả 2 MST cá nhân nên người lao động không đóng được một trong 2 MST. Như vậy người nộp thuế vẫn tồn tại 2 MST và chỉ phát sinh thu nhập ở 1 MST thì người nộp thuế có uỷ quyền cty quyết toán thuế TNCN được không?

Trả lời: Câu hỏi của NNT chưa nêu cụ thể vướng mắc về nghĩa vụ thuế của 2 MST.

Tại điểm d.2 khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định các trường hợp ủy quyền quyết toán thuế như sau:

“d.2) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập, cụ thể như sau:

Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm. Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới theo quy định tại điểm d.1 khoản này thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.

Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm; đồng thời có thu nhập văng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.”

Căn cứ quy định nêu trên, về nguyên tắc cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm điểm d.2 khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ thì được ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thay.

Về việc có 2 MST

- Tại điểm b khoản 3 Điều 30 Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 quy định: Cá nhân được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp mã số thuế để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Mã số thuế cấp cho người phụ thuộc đồng thời là mã số thuế của cá nhân khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

- Tại Điều 36 Luật Quản lý thuế cũng quy định việc NNT phải thông báo với cơ quan thuế khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế.

- Tại khoản 7 Điều 35 Luật Quản lý thuế cũng quy định: Khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư thì sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.

- Thực hiện nhiệm vụ tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg (Đề án 06), hướng tới sử dụng mã số định danh thay cho mã số thuế theo quy định tại khoản 7 Điều 35 Luật quản lý thuế nêu trên, thời gian qua Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Công an triển khai rà soát, chuẩn hóa các MST cá nhân mà thông tin còn chưa khớp với CSDLQGDC.

- Để tạo điều kiện cho NNT, Tổng cục Thuế hướng dẫn các trường hợp NNT có nhiều hơn một MST do NNT không kê khai thay đổi thông tin đăng ký thuế (thay đổi thông tin giấy tờ tùy thân) thì thực hiện cập nhập thông tin chính xác gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, số CCCD/ định danh công dân của các MST đang tồn tại; khi cơ quan thuế triển khai chuyển đổi sử dụng mã số định danh công dân thay cho mã số thuế sẽ hợp nhất các MST của NNT và quản lý NNT theo số định danh công dân.

----------------------------------------------------------

Câu hỏi 57: Hồ sơ cập nhật thông tin từ CMND sang CCCD hoặc giấy khai sinh sang định danh của người phụ thuộc còn bất cập khó khăn không nhận được kết quả phản hồi từ CQT. Người phụ thuộc hoặc người lao động trùng thông tin của người khác, liên hệ bằng điện thoại với CQT để hướng dẫn xử lý nhưng bất cập không có liên hệ được.

Trả lời: Tại điểm b khoản 3 Điều 30 Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 quy định: Cá nhân được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp mã số thuế để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Mã số thuế cấp cho người phụ thuộc đồng thời là mã số thuế của cá nhân khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

- Tại Điều 36 Luật Quản lý thuế cũng quy định việc NNT phải thông báo với cơ quan thuế khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế.

- Do đó trường hợp NNT hoặc NPT có thay đổi thông tin đăng ký thuế thì thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo hướng dẫn tại Thông tư 105/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về đăng ký thuế.

- Hiện nay bên cạnh các chức năng đã hỗ trợ NNT là các cơ quan chi trả thực hiện thay đổi thông tin NPT; Tổng cục Thuế đã hỗ trợ chức năng tra cứu thông tin NPT và chức năng thay đổi thông tin NPT tại ứng dụng etax mobile hoặc Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (website: thuedientu.gdt.gov) để NNT cá nhân có thể tra cứu thông tin và cập nhật thông tin NPT.  

----------------------------------------------------------

Câu hỏi 58:

1. Con tôi sinh năm 2021. Năm nay tôi mới đăng ký npt. Con tôi mới được cấp mst vào tháng 6/2024. Vây tôi có đăng ký npt cho con từ năm 2021 hay không? Bây giờ tôi nộp hồ sơ hoàn thuế năm 2021, 2022, 2023 thì có được kê khai giảm trừ npt con hay không?

2. Năm 2023 tôi làm công ty A từ tháng 1-8/2023. Tháng 9-12/2023 tôi không đi làm và không có thu nhập. Công ty A đã kê khai giảm trừ npt cho tôi từ tháng 1-8/2023. Vây khi tôi quyết toán thuế năm 2023 tôi có được tính giảm trừ npt từ tháng 01-12 hay không? Tôi có phải tự đăng ký giảm trừ npt từ tháng 9-12/2023 hay không? Bây giờ vào tháng 9/2024 tôi đăng ký giảm trừ npt tháng 9-12/2023 thì có trễ hạn hay không và có được cơ quan thuế chấp nhận hoàn khi tôi kê khai giảm trừ npt từ 1-12/2023 hay không

3. Tôi có câu hỏi rất mong được Tổng cục Thuế giải đáp. Tôi là người Việt Nam năm 2023 được Công ty cử đi công tác ở Malaysia. Thu nhập khi làm việc tại Malaysia được nhận qua Công ty tại Việt Nam. Tháng 4/2024 tôi đã nộp hồ sơ quyết toán hoàn thuế TNCN năm 2023 tại Malaysia và đã được xử lý hoàn thuế. Năm 2023 tôi vừa có thu nhập khi làm việc tại Malaysia vừa có thu nhập khi làm việc tại Việt Nam. Hiện tại tôi muốn nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN năm 2023 mẫu 02/QTTTNCN có kê khai số thuế đã nộp tại Malaysia thì phải đính kèm hồ sơ chứng từ gì. Nếu tôi không chứng minh là đối tượng cư trú ở Malaysia thì có được xác định là cư trú tại Việt Nam hay không. Rất mong được Tổng cục Thuế giải đáp. Trân trọng cảm ơn.

Trả lời:

1. Về nguyên tắc người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp MST thì được đăng ký tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

Như vậy, trường hợp trong năm tính thuế (năm 2021, 2022, 2023) người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là con (sinh năm 2021) thì người nộp thuế sẽ được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế (các năm 2021, 2022, 2023) và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

Về nguyên tắc giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc được quy định tại tiết c.2 điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính như sau:

“c) Nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh

c.2) Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

c.2.1) Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.

c.2.2) Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Đối với người phụ thuộc đã được đăng ký giảm trừ gia cảnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế.

c.2.3) Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Riêng đối với người phụ thuộc khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 31 1, Điều này thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.

c.2.4) Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.”

2. Trường hợp người nộp thuế đã đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ tháng 1 đến tháng 8/2023 tại tổ chức trả thu nhập, sau đó không đi làm nên không giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tại tổ chức trả thu nhập nào thì khi nộp hồ sơ khai quyết toán thuế, người nộp thuế sẽ được tính giảm trừ cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế nộp hồ sơ đăng ký người phụ thuộc kèm theo hồ sơ quyết toán. Riêng đối với người phụ thuộc khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.

Về nguyên tắc giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc được quy định tại tiết c.2 điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định (trích dẫn tại điểm 1 nêu trên) và danh mục hồ sơ khai thuế được quy định tại điểm 9.2 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, trong đó quy định: “Hồ sơ đăng ký người phụ thuộc quy định tại khoản 9.11 Phụ lục này (nếu tính giảm trừ cho người phụ thuộc tại thời điểm quyết toán thuế đối với người phụ thuộc chưa thực hiện đăng ký người phụ thuộc).”

3. Về hồ sơ chứng từ đính kèm hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN, đề nghị người nộp thuế nghiên cứu quy định tại điểm 9.2 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐCP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về danh mục hồ sơ khai thuế.

Đối với việc xác định tình trạng cư trú, đề nghị người nộp thuế căn cứ quy định để xác định, cụ thể như sau: Tại khoản 2 Điều 2 Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội quy định về cá nhân cư trú như sau:

“Điều 2. Đối tượng nộp thuế

2. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;

b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.”

Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định về cá nhân cư trú như sau:

“1. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày. Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.

Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.

b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau.

b.1) Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú:

b.1.1) Đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.

b.1.2) Đối với người nước ngoài: nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.

b.2) Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:

b.2.1) Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên theo hướng dẫn tại điểm b.1, khoản 1, Điều này nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng được xác định là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi.

b.2.2) Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan,... không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.

Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại khoản này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.

Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác được căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú. Trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú.”

 


Tags:
Ý kiến bạn đọc:

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY TNHH BCTC
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: 0313459793 do sở kế hoạch đầu tư Thành Phố Hồ Chí Minh cấp ngày 28/09/2015
- Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp số 14/GP-STTTT do Sở Thông tin & Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 26/02/2021
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Văn Thức - Chức danh: Chủ tịch HĐTV - Số điện thoại: 0909 837 702
- Trụ sở chính: 311 Nguyễn Thị Kiểu, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM
- TỔNG ĐÀI CSKH: 19006274 - Email: info@baocaotaichinh.vn
Hotline: 0909837702
Zalo: 0909837702 Facebook
      Thuê dịch vụ gọi số 0909837702